Hậu Lâu ở Hoàng Thành Thăng Long cũng mới được đại tu trong dịp chuẩn bị kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội. Công trình này có thể là nơi ở của các cung tần mỹ nữ trong đoàn tuỳ tùng mỗi khi hoàng đế triều Nguyễn từ Phú Xuân ngự du Bắc Hà.
Theo sử sách, Thành Hà Nội là trung tâm chính trị của nước Đại Việt, từ năm 1010 mang tên gọi quen thuộc “Thành cổ Hà Nội”. Khu vực “Thành cổ” với vòng thành trong cùng được bắt đầu xây dựng vào năm 1029. Trung tâm của Kinh đô Thăng Long được mang tên “Long Thành” vào thời Lý, “Phượng Thành” hoặc “Long Phượng thành” ở thời Trần và “Cẩm Thành” thời Lê. Sang thời Nguyễn, Kinh đô chuyển vào Huế, Hà Nội là tổng trấn Bắc Thành và một tòa thành lớn được khởi dựng từ thời Gia Long năm 1903.
Di tích Hậu Lâu ở Hoàng Thành Thăng Long
Tòa thành Hà Nội thời Nguyễn xây theo kiểu Vô-băng, thành mới xây ở chỗ Đông Cung của nhà Lê cũ. Các di tích hiện còn trong “Thành cổ Hà Nội” là Cột Cờ, thẳng đường chính đạo vào tới điện Kính Thiên, rồi Đoan Môn, chếch sang phía Tây có lầu Tĩnh Bắc và Bắc Môn ở chính Bắc thành. Các kiến trúc tạo thành một tổng thể liên kết, gắn bó, bổ sung cho nhau.
Hậu Lâu là một trong 5 di tích hiện còn của Thành cổ Hà Nội. Hậu Lâu còn gọi là Tĩnh Bắc lâu, Lầu Công chúa, hay tòa “Hậu điện”. Kiến trúc trên có 5 tầng mái đan xen nhau, lầu dưới cũng có 3 tầng mái… mái được lợp giả ngói ống, trát vữa xi măng, các góc mái đều tạo dáng cong thanh thoát. Dưới cùng của tòa nhà xây tường dạng hình hộp.
Hậu Lâu cũ đã bị đổ nát trong thời kỳ Pháp xâm lược vào năm 1876, sau người Pháp đã cải tạo, xây giá lắp để lấy chỗ ở và làm việc của quân đội Pháp.
Di vật tìm thấy trong thành
Từ khi tiếp quản Thủ đô (1954), Hậu Lâu nằm trong khu vực quản lý của Bộ Quốc Phòng và cũng tiếp tục cải tạo đổi chỗ. Kiến trúc hiện tại của Hậu Lâu mang đậm nét kiến trúc của thế kỷ XIX.
Diện tích được bàn giao từ Bộ Quốc Phòng sang thành phố Hà Nội quản lý là 2.392m2, ngày 6-4-1999 Bộ Văn hóa Thông tin đã ký quyết định công nhận di tích lịch sử “Thành Cổ Hà Nội”, trong đó có Hậu Lâu.
Tháng 10-1998, di tích Hậu Lâu ở Hoàng Thành Thăng Long đã được các nhà khảo cổ học khai quật tìm những chứng tích góp phần xác định vị trí của Hoàng thành Thăng Long thời Lý, Trần.
Qua khai quật khảo cổ học, bước đầu đã tìm thấy một hàng phiến đá, trong đó có một chân cột lớn trang trí 16 cánh sen nổi, mang phong cách nghệ thuật Lý, Trần.
Bên cạnh đó là hàng nghìn di vật, trong đó có gạch ghi “Giang Tây Quân” – loại gạch tìm thấy ở Hoa Lư và một vài phế tích khác có niên đại cuối thế kỷ X đầu thế kỷ XI. Những kiến trúc là những mảnh đất nung của diềm mái, trang trí rồng uốn khúc trong lá đề, hoa sen, những gạch men thời Lý, Trần, những đồ gốm có đúc chữ “Quan”… mà các nhà khảo cổ học Việt Nam tìm thấy ở Lam Kinh (trong tầng văn hóa thời Lê sơ – đầu thế kỷ XV).
Việc khai quật Hậu Lâu và khu vực phụ cận sẽ được tiếp tục… có thể góp phần khẳng định giả thiết: Hoàng thành Thăng Long thời Lý – Trần chính là khu vực Thành Hà Nội, mà nền điện Kính Thiên là trung tâm. Hậu Lâu mới được đại tu nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội.