Nguồn gốc của hát chèo là như thế nào? Chèo là hình thức ca kịch bình dân của người Việt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ vốn manh nha từ cuối thế kỷ 10, bắt nguồn từ trò nhại kết hợp với âm nhạc và múa dân gian. Người được xem là bà tổ của nghệ thuật hát chèo là Phạm Thị Trân (926 – 976) – một nữ nghệ sĩ và là một vũ ca nổi tiếng thời nhà Đinh. Nếu như bạn chưa biết về Nguồn gốc của hát chèo thì hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Nguồn gốc của hát chèo
Trong Vũ Trung tùy bút viết vào thời Lê mạt Nguyễn sơ, phần bàn về âm nhạc, danh sĩ Phạm Đình Hổ (1768 – 1839) cho rằng lối hát chèo xuất hiện từ đời nhà Trần. Ông viết: “Triều nhà Trần hễ có quốc tang, lúc sắp rước tử cung đến sơn lăng để an táng, dân sự phố phường xúm quanh lại xem, vòng trong vòng ngoài chật ních cả chốn điện đình, không thể rước đi được. Người dẹp đám mới bắt chước lối vãn ca đời cổ, đặt ra khúc hát Long ngâm, hiệp vào âm luật, sai quân lính đi hát diễu chung quanh đường; nhân dân đổ xô, xúm xít theo đi xem, như thế mới rước tử cung xuống thuyền được. Đời sau bắt chước làm lối hát vãn, mỗi năm cứ đến rằm tháng bảy [tức tết Trung Nguyên], những nhà tang gia cho gọi phường hát đến hát, để giúp lễ tế ngu. Tiếng hát bi ai, nghe rất cảm động”. Đó là một manh mối để chúng ta tìm hiểu về Nguồn gốc của hát chèo.
Phường hát này tục gọi là trạo phường, còn có tên khác là phường chèo bội. Tên chèo chính là xuất phát từ đây.
Đến đời vua Lê Cảnh Hưng [tức vua Lê Hiển Tông, sinh năm 1717 mất năm 1786, cha vợ của vua Quang Trung Nguyễn Huệ], phường chèo bội đã có nhiều điệu hát và múa. Lối hát vãn được biến thể thành hát huê tình với những lời ca ngợi công đức của vua quan và được xen lẫn nhiều giọng hát của tuồng. Điệu múa do các đào nương đảm nhiệm gồm có múa đèn, múa bông và đi dây. Giàn nhạc có kèn, sáo, nhị, thanh la, trống, … Chèo phát triển đến chỗ cực thịnh ở Bắc Bộ vào thế kỷ 19, phân hóa trong những năm đầu của thế kỷ 20. Vào thời kỳ này, hai tiếng xem chèo đồng nghĩa với đi xem hội quê vào mỗi buổi tối.
Những dấu tích về nguồn gốc của hát chèo qua sách vở
Dấu tích của nguồn gốc của hát chèo cũng khá nhiều. Trong cuốn Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam xuất bản tại Sài Gòn năm 1966, nhạc sĩ Phạm Duy cho rằng mặc dù cùng xuất xứ từ phường chèo bội nhưng nếu như hát ả đào, trong giai đoạn thành hình của nó, chỉ chuyên về hát thờ, hát khao, hát vọng với những bài hát nghiêm trang, những màn múa vụn vặt … thì chèo biết tìm con đường kể chuyện bằng ca hát và điệu bộ, nhất là biết tạo một đời sống thứ hai trên sân khấu đối diện với cuộc đời qua những vở hát đầy tính xã hội.
Còn theo nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm, hát chèo vốn là hình thức dùng để giễu các việc vui cười, những thói hư tật xấu của người đời. Trong lời văn của hát chèo có nhiều giọng khôi hài nhưng lại có tính chất khuyên răn người đời, thiên về luân lý.
Trong giai đoạn thành hình, chèo là nghệ thuật ca diễn tự phát chứ chưa phải là tổ chức nhà nghề. Diễn viên là nông dân tập hợp theo ông trùm để đi hát.
Đầu tiên, chèo mang cái tên chèo sân đình. Lúc đó, sân khấu của chèo là một chiếc chiếu trải giữa sân đình, khán giả ngồi vây quanh xem cả bốn mặt. Không có phong cảnh, bài trí. Phục trang là y phục thường ngày. Hóa trang cũng rất đơn giản, chỉ có hề là vẽ mặt mà thôi. Những tích chèo một phần dựa theo truyện cổ Trung Hoa giống như hát tuồng, phần khác được soạn theo các tích cổ Việt Nam, nhất là các truyện bình dân.
Dần dần, chèo mất đi tính tài tử để trở thành một tổ chức nhà nghề. Diễn viên là những nghệ sĩ chuyên nghiệp, học nghề theo lối cha truyền con nối. Khi chèo phát triển đến chỗ cực thịnh thì nhạc chèo cũng rất phong phú. Chèo có những điệu hát riêng, khác với hát tuồng và phân làm nhiều loại được hát tùy theo từng đoạn của vở chèo: vui tươi, buồn thảm, ý nhị, đanh đá hoặc bông lơn, … Đó chính là Nguồn gốc của hát chèo mà chúng ta đang tìm kiếm.
Theo tác giả Toan Ánh trong cuốn Cầm Ca Việt Nam, hát chèo có 3 cách nói chính, gồm nói lối, nói sử và nói lửng.
- Nói lối: Là cách nói của các tay đóng học trò thi đỗ hoặc khách nhàn du. Thường là 4 câu thơ thất ngôn, hoặc có khi chỉ có 3 câu, nhất là trong các vở chèo cổ.
- Nói sử: Đây chính là ngâm thơ, nhưng nhịp điệu thay đổi.
- Nói lửng: Là cách nói của những đào kép thủ vai lẳng lơ như Thị Màu trong vở Quan Âm Thị Kính.
Đặc tính căn bản của nói trong chèo là không có nhịp, nghệ sĩ nói (hay hát thơ, ngâm thơ) tự do và ngắt câu theo vận tiết của thơ.
Dàn nhạc của chèo gồm đầy đủ các nhạc cụ thuộc các bộ thổi, bộ gẩy, bộ kéo, bộ gõ: sáo, đàn nguyệt, đàn nhị, đàn hồ, trống đế, trống cơm, mõ, thanh la, … Trong nghệ thuật chèo, trống đế là nhạc cụ quan trọng nhất. Ngoài ra, cũng giống như tuồng, khi biểu diễn chèo thường có cái trống chầu để những người sành chèo dùng khi cần khen hoặc chê người hát.
Do chèo là bộ môn nghệ thuật mang nhiều tính cách điển hình: nhân vật, hoàn cảnh đặc biệt nên múa chèo là loại múa có tính chất vũ điệu. Các thế tay, thế chân tuy là những thế căn bản nhưng sẽ diễn tả hết sức rộng rãi tùy theo nhân vật và hoàn cảnh. Chẳng hạn, cùng là một thế múa hoa cổ tay nhưng Thị Mầu phải diễn tả sự lẳng lơ còn Thị Kính lại phải nói lên sự nghiêm trang, đau khổ. Vai thư sinh đi lại trên sân khấu thường đi theo thế chân chữ bát, còn vai giáo đầu dẹp đám lại bằng thế cổn chủ, tức một chân bằng còn một chân thì kiễng.
Trong chèo cổ, hình ảnh người phụ nữ được xây dựng rất nổi bật giữa đám nhân vật bình thường với ý đồ giáo huấn đạo đức. Hoặc là tốt rất tốt để thiên hạ noi theo, chẳng hạn từ bi hỉ xả như Thị Kính, tiết tháo như Châu Long, tiết trinh và hiếu thảo như Thị Phương, … hoặc là xấu rất xấu để làm gương cho xã hội, chẳng hạn điêu ngoa như Thị Mầu, ác nghiệt như dì ghẻ Tôn Mạnh, Tôn Trọng, si tình và phụ bạc như Xúy Vân, …
Hiện nay, cũng giống như những loại hình nghệ thuật truyền thống khác, chèo không còn được ưa chuộng như trước. Một số diễn viên chèo nổi tiếng ngoài việc biểu diễn chèo cũng chuyển sang tấu hài khiến công chúng không ít người nghĩ rằng những nghệ sĩ này vốn xuất thân từ chèo, như Xuân Hinh, Tự Long, … Bài viết này mình đã chia sẻ đầy đủ về nguồn gốc của hát chèo cho quý vị.