Cũng như truyện dân gian, chèo sẽ kể lại bằng hình thức biểu diễn đặc trưng của mình cuộc đời của một nhân vật nào đó nên mỗi vở chèo thường có một nhân vật trung tâm. Nhân vật này thường có mặt xuyên suốt diễn biến câu chuyện và dẫn dắt kết cấu của cốt truyện. Hãy theo dõi chi tiết về chèo sân đình dưới đây:
Đặc điểm chung của chèo sân đình
a. Chèo – một loại hình kịch hát dân tộc
Hát chèo là một loại nghệ thuật tổng hợp, kết hợp chặt chẽ và nhuần nhuyễn giữa tích trò, lời ca và động tác múa. Tích trò là kịch bản văn học, là nội dung được kể lại thông qua diễn xuất của diễn viên. Ta có các vở như Tấm Cám, Thạch Sanh, Phạm Công Cúc Hoa, Lưu Bình Dương Lễ…Hát chèo là lúc cảm hứng trữ tình đạt đến đỉnh cao, các nhân vật giải bày tâm tình và giao lưu tình cảm với nhau.
Đặc trưng của hát chèo vừa là ngôn ngữ kịch bản vừa là ngôn ngữ nhân vật. Hát chèo sử dụng một cách đa dạng và phong phú những làn điệu ca hát ở đồng bằng và trung du Bắc bộ (kết hợp với những làn điệu âm nhạc mang tính chất tôn giáo và một số làn điệu ở những vùng khác du nhập vào). Ta có thể kể ra một số làn điệu như gà rừng, lão say, hát nói, hắt sắp, hát cách, sa lệch, vãn, điệu kể hạnh, ru kệ Bên cạnh hát chèo là Múa chèo.
Nhìn chung, múa chèo còn đơn giản, một số động tác múa mô phỏng động tác lao động. Diễn viên múa chèo chú trọng nhiều ở những cử động cánh tay, cổ tay, ngón tay mềm dẻo và linh hoạt (màn múa của Xúy Vân trong Xúy Vân giả dại kéo dài đến 19 phút), sử dụng một số đạo cụ như bông hoa, cành cây, gậy, mồi lửa. trong đó phổ biến nhất là dùng quạt. Thật vậy, lời ca, động tác múa… nói chung là các yếu tố âm nhạc đóng vai trò rất quan trọng và tạo nên bản sắc dân tộc của chèo, chính những yếu tố này tạo nên nét đặc trưng của chèo.
b. Chèo – một hình thức kể chuyện độc đáo kết hợp tích diễn và ứng diễn
Chèo kể lại trên sân khấu một câu chuyện nhiều người đã biết. Diễn viên là người kể chuyện, mô tả thời gian không gian và đóng vai trò của nhân vật trong truyện.
Khi diễn, người diễn viên giao lưu trực tiếp với người xem qua tiếng “đế”. Tiếng “đế” bao gồm lời hỏi, lời đỡ giọng, lời họa theo. Đây là một hình thức độc đáo của chèo, giúp diễn giải nội dung tích trò, hướng dẫn, gợi suy nghĩ cho người xem, đồng thời còn có thể bình giá nhân vật, sự kiện…Dưới đây là một trích đoạn với tiếng “đế” trong Quan Âm Thị Kính:
Thị Mầu: | Tôi Thị Mầu con gái phú ông Tiền cùng gạo, tôi lên chùa cúng quả. |
Tiếng đế: | Nhà mày có mấy chị em? |
Thị Mầu: | Nhà tôi hiếm hoi…được chín chị em. |
Tiếng đế: | Có ai như mày không? |
Thị Mầu: | Có tôi là chín chắn nhất. Hôm nay là mấy nhỉ? |
Tiếng đế: | Mười tư. Rằm. |
Thị Mầu: | Này chị em ơi! |
Tiếng đế: | Làm sao? |
Thị Mầu:(hát) | Ấy thế mà Thị Mầu tôi mang tiếng lẳng lơ. Đò đưa cấm giá, tôi lên chùa từ mười ba. |
Cũng chính vì lý do đó, các nghệ sĩ tài năng, từ câu chuyện có sẵn và lời hát chèo của các nghệ nhân đặt lời cộng với tiếng “đế” đôi khi là của người xem chèo, đã ứng tác ngay trên sàn diễn làm cho vở diễn thêm sinh động và hứng thú (Cũng giống như loại hình rối nước đã trình bày, sự ứng tác trong chèo vừa là ưu điểm vừa là nhược điểm).
c. Chèo – một loại hình sân khấu đậm chất hài
Dù câu chuyện có nói về những số phận đau khổ bất hạnh nhưng kết thúc có hậu cùng tiếng cười lạc quan của chèo luôn tạo nên sự sôi động vui vẻ trẻ trung. Chính vì vậy, vai hề không thể thiếu trong chèo. Vai hề trong chèo (mà chúng tôi sẽ trình bày ở phần sau) là một sáng tạo độc đáo với những cách gây cười, các thủ pháp gây cười luôn phong phú, đa dạng và linh hoạt (từ tên gọi, hóa trang đến động tác, ngôn ngữ).
d. Chèo – một hình thức sân khấu ước lệ, tượng trưng
Do đặc trưng của chèo là diễn xướng, chèo đã phát huy tối đa tính ước lệ, tượng trưng trong ngôn ngữ nghệ thuật (đạo cụ, lời hát, hóa trang, động tác…). Chẳng hạn cây quạt trong chèo là một đạo cụ giàu tính ước lệ, tượng trưng, ngoài chức năng dùng để quạt, quạt còn là nơi đề thơ; có lúc là ngọn roi, khi lại là cây bút.
Nó giúp cho người diễn viên tung hứng sáng tạo vô cùng linh hoạt. Hay khi diễn viên trên sân khấu chèo đi một vòng trên sân khấu tức là người xem ngầm hiểu rằng họ đã đi từ nơi này sang nơi khác nhiều khi khoảng cách rất xa (như từ chiến trường về quê nhà chẳng hạn). Tính ước lệ tượng trưng còn biểu hiện ngay trong ngôn ngữ, khi diễn viên nói: “Cha nuôi con chốc đã ba thu” thì so với màn trước đó, người xem sẽ hiểu ngay là ba năm đã trôi qua.
e. Chiếu chèo sân đình truyền thống
Tại sao được gọi là chiếu chèo sân đình? Vì ngày xưa hát chèo được sáng tác một cách ngẫu hứng, các nghệ nhân thường trải chiếu hát ở sân đình, chùa – đây là những nơi sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng. Chính vì lý do này mà dân gian còn gọi là chiếu chèo sân đình.
Ngày nay nghệ thuật hát chèo được phát triển một cách bài bản, trong vở chèo luôn có những xung đột, mâu thuẫn để dẫn đến những đoạn giải quyết đầy tính nhân văn. Mặc sù hát chèo đã được sân khấu hóa, tuy nhiên những chiếu chèo sân đình, sân chùa ở làng quê vẫn luôn tồn tại và gắn liền với đời sống của nông dân.
Giá trị nội dung của chèo sân đình
Nổi bật trong loại hình nghệ thuật chèo là giá trị hiện thực sắc sảo. Thông qua nội dung cốt truyện, các vở chèo phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội và phê phán đả kích những thế lực đen tối cùng những đại diện cho những thói hư tật xấu trong xã hội. Đó là hình ảnh đáng lên án của bè lũ vua chúa sâu dân mọt nước; của bọn quan lại tham nhũng xấu xa và các loại thầy trong xã hội phong kiến đầy những thói hư tật xấu (Tiêu biểu là vở chèo Nghêu sò ốc hến, Quan âm thị Kính…)
Bên cạnh đó, nội dung các vở chèo phẩn ảnh chân thành mà xúc động hình ảnh đời sống nhân dân vô cùng khổ cực trong một xã hội đầy rẫy những bất công (Nỗi khổ của mẹ con Thị Phương – chèo Trương Viên, nỗi oan của Thị Kính – Quan Âm Thị Kính) để từ đó vạch rõ mâu thuẫn giai cấp gay gắt giữa bọn thống trị tàn bạo, bọn địa chủ xấu xa và quần chúng nhân dân lao động – đặc biệt là nông dân.
Nhưng thông qua việc phanh phui sự thối nát của xã hội và phơi bày những thân phận bất hạnh khổ đau bị xã hội vùi dập xô đẩy, chèo lên tiếng bênh vực quyền sống, đề cao phẩm chất, phẩm giá con người – đặc biệt là người phụ nữ (Các vai “chín” của Thị Kính – Thị Phương là những vai chính tiêu biểu). Quan điểm nhân đạo cao cả từ loại hình nghệ thuật dân gian này cũng hòa nhập vào dòng chảy nhân văn chủ nghĩa của văn học dân gian nói riêng và văn học Việt Nam thế kỷ XVIII – XIX nói chung.
Giá trị nghệ thuật của chèo sân đình
Chèo là một loại hình nghệ thuật tổng hợp của văn nghệ dân gian. Phải được tai nghe các điệu hát để hiểu được nội dung vở chèo, mắt thấy các động tác, điệu bộ, nghệ thuật diễn xuất của các nhân vật thì mới hiểu được đầy đủ nét độc đáo của chèo. Ở đây, ta chỉ xét các yếu tố nghệ thuật ở kịch bản văn học của chèo mà thôi.
* Về kết cấu:
Chèo thường trình bày các sự kiện trong câu chuyện được kể theo trình tự thời gian. Và trong tổng thể chung của trình tự trước sau đó, các tác giả thường chọn những đoạn quan trọng nhất trong cuôc đời nhân vật để tập trung khai thác.
Vì chèo là một lối kể chuyện bằng sân khấu (ở đó có sự tổng hợp các yếu tố như ca hát – điệu – bộ – diễn xuất), nên kết cấu của vở chèo ít nhiều phụ thuộc vào một thể loại khác (hay nói cách khác là có liên quan mật thiết đến kết cấu của một tác phẩm tự sự mà chèo dựa vào đó làm tích truyện). Cốt truyện của chèo thường dựa vào các sự tích có sẵn trong truyện cổ dân gian và về cơ bản vẫn giữ tình tiết y như truyện (nên nghiên cứu phần này ta có thể tham khảo lại đặc điểm kết cấu của truyện dân gian).
* Về nhân vật:
Nhìn chung, nhân vật chèo thể hiện rõ tính cách nhiều nhất qua diễn xuất. Tính cách ấy thường được biểu hiện bằng hành động cường điệu và có tính chất ước lệ của diễn xuất (Điều này sẽ bị hạn chế khi ta tìm hiểu nhân vật qua kịch bản văn học). Có một điểm đặc biệt rất thú vị là khi nhân vật chèo (thường là vai chính – vai phụ) bước ra sân khấu, họ thường tự giới thiệu và xưng danh về mình. Họ kể tên – họ, nghề nghiệp, quê quán, dòng dõi, gia cảnh… đôi khi kể ra cả một hoặc một vài đặc điểm tính cách nào đó của mình.
Mong rằng bài viết vừa rồi sẽ giải đáp được những thắc mắc cho bạn đọc về nghệ thuật hát chèo sân đình nhé!