Đàn tế Nam Giao Thành Nhà Hồ là đàn tế cổ, còn vẹn nguyên nhất trong 3 đàn tế của Việt Nam quốc. Dưới triều đại vua Hồ Quý Ly, đây là nơi hàng năm tiến hành lễ cúng tế cầu quốc thái, dân an hoặc lễ tế vào những dịp đại xá thiên hạ. Xung quanh nơi cúng tế thần Trời, thần Đất của Triều Hồ là những bí ẩn về con đường Thần đạo, “ông bình vôi” nơi Giếng Vua… hay di cốt trâu bò cúng tế.
Theo sử sách, vua Hồ Quý Ly có con trai trưởng là Hồ Nguyên Trừng – người luôn đưa ra ưu sách và miệt mài với việc đúc súng Thần công để chiến đấu chống ngoại xâm. Còn con trai thứ là Hồ Hán Trương – người lại đưa ra ưu sách mang tính tâm linh là xây dựng Đàn tế với ý nghĩa linh thiêng tế thần Trời, thần Đất. Đàn tế nằm trên núi Đún Sơn, xã Cao Mật xưa (nay là xã Vĩnh Thành), huyện Vĩnh Lộc; cách Thành NHà Hồ khoảng 2,5km về phía Đông Nam.
Có một con đường mang tên “đường Thần đạo”
Toàn bộ khu Đàn tế rộng hơn 2,9 ha. Con đường thần đạo là tên gọi đặc biệt chỉ con đường chính, lát đá, dẫn Vua cùng các triều thần đứng đầu Triều đình tiến về nơi linh thiêng nhất để làm lễ tế.
Bước trên con đường Thần đạo, bác Đỗ Thanh Long (quản lý khu di tích Đàn tế Nam giao) cho biết: “Con đường này thật sự rất thiêng. Đàn tế trước đây ngập sâu trong đất, là nơi an cư của nhiều hộ dân nhưng có vài hộ dân dựng nhà ngay trên con đường này đều xảy ra câu chuyện kỳ lạ liên quan đến cái chết ”. Chỉ đến khi đàn tế được phát hiện và khai quật, người dân nơi đây mới tin rằng: Hóa ra khu đất này vốn linh thiêng, kì bí là có lí do riêng của nó. Mọi thứ cứ thế hiện về trong tưởng tượng như đang xem một bộ phim cổ trang xưa.
Ngay trên con đường Thần đạo là Giếng Vua và cung Vua. Cung Vua nằm bên trái, hiện vẫn chưa khai quật hết. Tương truyền, Vua phải qua Cung trước 7 đến 10 ngày để trai giới (nghỉ ngơi, ăn chay, đánh cờ và tĩnh dưỡng) trước khi lễ tế diễn ra. Nghĩa là, chỉ khi vua trở thành một vị vua “chay tịnh” mới có thể hành lễ. Có thế mới cầu được “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, mới cầu cho “quốc thái, dân an”. Còn ngược lại, năm đó sẽ hạn hán, mất mùa, đói khát kéo dài triền miên.
Đàn tế chính hình tròn, có đường kính 4,70m; là nơi tế thần Trời, thần Đất theo quan niệm Trời tròn – Đất vuông của vũ trụ.
Cũng chính thế, hiện nay “ngự” nơi cao nhất của Đàn tế là 2 bài vị linh thiêng để du khách về thắp nén hương tưởng nhớ tới kinh đô tráng lệ một thời của Việt Nam ta. Hai bài vị khắc tên chữ Hán với tiêu đề “Hạo Thiên Thượng Đế” là thờ trời và “Hoàng Địa Kỳ” là thờ đất.
Huyền bí giếng Vua 600 năm tuổi
Huyền bí hơn nữa phải kể đến Giếng Vua hay giếng Ngự Dục. Giếng hầu như còn nguyên vẹn, gồm 9 thành bậc, sâu 5,6m, có kết cấu ngoài vuông giữa tròn. Nước ở khu vực có kết cầu hình vuông thường trong xanh, nhưng nước ở vòng tròn giữa lại chuyển sang một màu vàng lạ. Cấu trúc của giếng cũng là sự diễn giải biểu trưng đất – trời của đàn tế Nam Giao.
Theo Bác Long: “Sống ở đây đã lâu, giếng Vua cũng có truyền thuyết ly kỳ như chính cái tên của nó. Cứ những ngày trời mưa lạnh tháng 2, tháng 3 có “ông bình vôi” trắng tinh hiện lên. Đã có người nhìn thấy và chỉ người có tâm mới thấy được “ông bình vôi” hiện trên miệng giếng mỗi khi mưa về”.
Tiến Sĩ khảo cổ Trần Anh Dũng người trực tiếp tham gia khai quật và tôn tạo giếng cho hay: “Khi xưa giếng được xây để phục vụ cho việc tế gia và trai giới trước khi làm lễ tế”.
Đá kè thành giếng có một số khối hình tròn mà các nhà khảo cổ vẫn đang tiếp tục giải mã.
Và bí ẩn xung quanh di cốt trâu bò cúng tế
Mặc dù chỉ tồn tại trong 7 năm (1400 – 1407), nhưng đây đã từng là nơi cúng tế của cả một vương triều. Đó là phát hiện mộ táng có di cốt trâu đã được các nhà khảo cổ khai quật.
Bộ cốt trâu còn tương đối nguyên vẹn, ở tư thế nằm ngửa, được đặt trong bia mộ quây bằng đá. Vị trí của ngôi mộ đá này nằm dưới lòng bức tường bao vòng ngoài của đàn tế Nam Giao, sát chân núi Đốn Sơn. Qua nghiên cứu, các nhà khảo cổ nhận định, đây là bộ xương trâu. Nhưng vì sao lại mai táng trâu ở vị trí trang trọng là đàn tế, nơi được coi là chốn linh thiêng, thì vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Hiện, nơi phát hiện di cốt trâu bò cúng tế là một tấm ảnh tượng trưng chứ không phô trương bộ di cốt thật.
Thành nhà Hồ nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Trải qua hơn 600 năm tồn tại, công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy. Dấu tích nền móng của cung điện xưa kia giờ vẫn đang ẩn mình đâu đó dưới những ruộng lúa bãi ngô xanh ngắt của dân làng. Ngày 27/6/2011, tại phiên họp lần thứ 35 của Ủy ban di sản thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp), đã ký quyết định công nhận Thành Nhà Hồ là di sản văn hóa Thế giới, thành cũng đã được CNN đánh giá là “một trong 21 di sản nổi bật và vĩ đại nhất thế giới”.
Đàn tế Nam Giao Thành Nhà Hồ thực sự là vùng đất đầy bí ẩn. Nơi cúng tế linh thiêng của kinh đô Việt triều Hồ, hơn 600 năm nay giờ vẫn mang sự ly kì, huyền bí đến lạ lùng.