Không quá lời nếu bảo rằng Điện Kính Thiên là một trong những công trình gây ấn tượng sâu sắc nhất trong khu di tích lịch sử hàng nghìn năm tuổi Hoàng Thành Thăng Long. Thông qua Điện Kính Thiên, bạn có thể hiểu rõ hơn về di sản văn hoá, kiến trúc và nghệ thuật do ông cha ta để lại.
Nếu như trong những bài viết trước, mình đã đưa bạn đi tham quan Hoàng thành Thăng Long, dấu ấn lịch sử vàng son đã tồn tại hàng nghìn năm ở mảnh đất cố đô Thăng Long – Hà Nội, thì hôm nay, #teamKlook sẽ tìm hiểu sâu hơn về Điện Kính Thiên, một công trình quan trọng bậc nhất trong Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Hoàng thành Thăng Long được các triều vua xây dựng kế thừa trong nhiều giai đoạn lịch sử. Qua thăng trầm của thời gian và biến động của lịch sử, các cung điện, lầu gác trong Hoàng thành và Cấm thành của kinh đô Thăng Long hầu như không còn tồn tại. Tuy nhiên, hình thái kiến trúc Điện Kính Thiên luôn là bài toán khó, thôi thúc các nhà khoa học nghiên cứu, nhận diện để sớm tiến hành phục dựng, phục vụ tham quan du lịch và nghiên cứu lịch sử.
Trong khi chờ chiêm ngưỡng công trình phục dựng Điện Kính Thiên, mình cùng “bỏ túi” một số thông tin về di tích vô cùng đặc biệt này nhé.
Giới Thiệu Điện Kính Thiên Hà Nội
Điện Kính Thiên là một công trình nằm giữa Hoàng thành đời Lê ở đô thành Đông Kinh (Hà Nội). Đây là nơi đăng cơ của vua Lê Thái Tổ vào năm 1428; về sau trở thành nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, đón tiếp sứ giả nước ngoài, diễn ra các buổi thiết triều bàn việc quốc gia đại sự.
Từ đời Trung Hưng trở đi, nơi đây còn đặt bài vị thờ trời đất, nên vua thị triều ở cửa Điện Kính Thiên. Kể từ khi xây dựng, Chính điện Kính Thiên luôn đóng vai trò trung tâm của Cấm thành Thăng Long. Ngày nay, Điện Kính Thiên là chỉ còn di tích thềm bậc và nền điện, nằm trong quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long.
Vào năm 2020, Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã đưa ra kế hoạch nghiên cứu phục dựng Điện Kính Thiên, giá trị cốt lõi của di sản Hoàng thành Thăng Long.
Điện Kính Thiên Ở Đâu?
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long có địa chỉ tại 19C Hoàng Diệu, phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Bắt đầu từ Đoan Môn, bạn băng qua một khoảng sân lớn gọi là Long Trì là đến Điện Kính Thiên – hạt nhân chính trong tổng thể di tích Hoàng thành Thăng Long. Bạn có thể dễ dàng đến đây bằng ô tô, xe máy, taxi, hoặc xe buýt.
Điện Kính Thiên là cung điện quan trọng bậc nhất ở trung tâm Cấm thành Thăng Long, nơi ngự của Hoàng đế, và là biểu trưng quyền lực cao nhất của quốc gia Đại Việt ở thời Lê từ thế kỷ XV đến XVIII.
Lịch Sử Điện Kính Thiên, Hà Nội
Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, vào năm 1428, sau chiến thắng quân Minh, Lê Thái Tổ tiếp tục đóng đô tại Thăng Long, cho xây lại Hoàng thành. Điện Kính Thiên được xây dựng trong thời kì này, và hoàn thiện năm 1465 vào đời vua Lê Thánh Tông. Còn phần thềm 9 bậc với 2 hàng lan can rồng đá được dựng sau đó hai năm.
Các nguồn tư liệu lịch sử cho rằng, Điện Kính Thiên hay cung Càn Nguyên/Thiên An thời Lý – Trần đều được xây trên núi Nùng. Đây được xem như vị trí trung tâm của trời đất, mang ý nghĩa phong thủy rất linh thiêng đối với vương triều lúc bấy giờ.
Tiếp quản Phú Xuân, Huế năm 1786 rồi lên ngôi hoàng đế năm 1788, vua Quang Trung bắt tay vào công cuộc xây dựng, cải cách vương triều Tây Sơn và đóng đô ở Phú Xuân, Huế.
Năm 1802, vua Gia Long lên ngôi, sáng lập triều Nguyễn và chọn Phú Xuân làm kinh đô của triều Nguyễn, còn thành Thăng Long trở thành trụ sở của Bắc Thành, quản lĩnh 11 trấn phía Bắc.
Từ năm 1803 đến 1805, vua Gia Long cho phá hủy Cấm thành và một phần Hoàng thành Thăng Long và xây lại một toà thành mới theo kiểu Vauban của Pháp.
Năm 1831, vua Minh Mạng chia cả nước làm 30 tỉnh, bỏ Bắc thành và lập tỉnh Hà Nội. Thành Thăng Long mang tên mới là thành Hà Nội, trở thành trị sở của tỉnh Hà Nội.
Trong thời gian này, nhà Nguyễn vẫn giữ Điện Kính Thiên và các kiến trúc trên trục trung tâm của Cấm thành Thăng Long cho đến Đoan Môn, sửa sang và xây dựng thêm một số công trình mới, làm Hành cung cho các vua Nguyễn mỗi khi đi Bắc tuần hay tiếp sứ nước ngoài.
Năm 1841, vua Thiệu Trị đã cho đổi tên Điện Kính Thiên thành Điện Long Thiên.
Vào cuối thế kỷ XIX, thời Pháp thuộc, chính quyền Pháp đã phá hủy thành Hà Nội, chỉ còn giữ lại nền điện Kính Thiên, cổng Đoan Môn của thành Thăng Long và Cửa Bắc, Kỳ Đài của thành Hà Nội. Đồng thời, họ cho xây dựng sở chỉ huy pháo binh tại đây. Ngôi nhà này được gọi là nhà Con Rồng, hay còn gọi là Long Trì, do phía trước và sau đều có rồng đá chầu.
Sau năm 1954, nhà Con Rồng trở thành nơi làm việc của Bộ Quốc phòng.
Từ tháng 10/2004, Điện Kính Thiên chính thức mở cửa đón du khách, và nhanh chóng trở thành một trong những điểm tham quan hấp dẫn ở Hà Nội.
Kiến Trúc Đặc Sắc
Điện Kính Thiên tọa lạc ở chính giữa Hoàng thành Thăng Long. Bên phải là Điện Chí Kính, bên trái là Điện Vạn Thọ, trước mặt là Điện Thị Triều. Trước Điện Thị Triều là Đoan Môn. Tuy nhiên, di tích ngày nay còn sót lại chỉ là Đoan Môn phía trước nền Điện Kính Thiên và Hậu Lâu, Bắc Môn ở phía sau. Hai phía Đông và Tây có tường bao và mở cửa nhỏ.
Qua những bức ảnh do người Pháp chụp vào cuối thế kỷ XIX, có thể thấy Điện Kính Thiên có kiến trúc 2 nếp hình chữ Nhị bằng gỗ. Ngôi điện được xây kiểu chồng diêm 2 tầng, 8 mái, với các góc đao cong vút. Bờ nóc của cả 2 nếp nhà đều có đôi rồng chầu mặt trời đắp nổi. Quanh điện là sân rộng có lan can cao hơn 100cm bao cả 4 phía. Nền và thềm bậc Điện Kính Thiên là di tích ít ỏi còn sót lại đến ngày nay, nhưng cũng phần nào phản ánh được quy mô hoành tráng ngôi điện năm xưa, với chiều dài 57m, chiều rộng 41,5m, và cao 2,3m.
Mặt trước, hướng chính Nam của Điện Kính Thiên là 10 bậc thềm được xây bằng phiến đá hộp lớn, với 4 con rồng đá chia thành 3 lối đi đều nhau, gọi là Thềm Rồng. Thềm bậc có kích thước bề ngang 13,7m, bề dọc 4,45m, và cao 2,1m; còn đôi rồng đá được xem như di sản kiến trúc nghệ thuật, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ.
Cặp rồng được chạm trổ tinh xảo bằng đá xanh, đầu to và vươn cao, mắt lồi, mũi nở, miệng ngậm ngọc, sừng dài áp sát thân rồng. Thân rồng có vảy, uốn khúc nhịp nhàng theo các bậc thềm, và nhỏ dần về phía nền điện. Trên lưng tạc vây dài nhấp nhô như vân mây, tia lửa.
Ngoài ra, Thềm Rồng còn có 2 hai lan can cách điệu hình mây hóa rồng ở 2 bên. Đây là hai tảng đá nguyên khối dài 5,3m. Mặt trong và ngoài của lan can khắc chìm các hoa văn, họa tiết cầu kỳ. Còn ở mặt sau, hướng Bắc của nền Điện Kính Thiên là thềm 7 bậc nhỏ hơn với 2 con rồng đá mang niên đại Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII – XVIII ) và lan can 2 bên. Tháng 12/2020, với thần thái mỹ thuật Lý – Trần và tính sáng tạo đặc biệt của thời Lê Sơ, rồng đá Điện Kính Thiên đã được công nhận là Bảo vật quốc gia của Việt Nam.
Công Trình Phục Dựng Điện Kính Thiên
Điện Kính Thiên là giá trị cốt lõi của Khu di tích trung tâm Hoang thành Thăng Long, nhưng những gì còn lại chỉ là thềm đá và nền điện cũ. Vì thế, việc phục dựng toàn bộ Điện Kính Thiên đã được ấp ủ hơn 10 năm qua với rất nhiều tâm huyết, công sức của các nhà khoa học.
Trong hành trình phục dựng thì không gian, cấu trúc không gian và cấu trúc của Chính điện Kính Thiên luôn là bài toán khó. Việc nghiên cứu, tìm hiểu không chỉ dựa trên dấu tích Điện Kính Thiên hiện nay mà còn phải dựa vào các tư liệu, hình ảnh ghi nhận về kiến trúc này, kết hợp với khai quật khảo cổ, di vật tương ứng, mô hình kiến trúc, thư tịch cổ liên quan, nhằm phát lộ chất liệu xây dựng, cách thức bố trí các chân cột, nền móng của nền điện năm xưa, đặc biệt là kiến trúc thời Lê sơ.
Công việc phục dựng Điện Kính Thiên không hề dễ dàng, cần phải có sự góp sức của nhiều chuyên gia, các giáo sư, nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ, nhà sử học uyên thâm, tâm huyết và phải chia thành hai giai đoạn để thực hiện: Giai đoạn 1 từ năm 2021-2025, và Giai đoạn 2 từ năm 2025-2030. Hy vọng, việc phục dựng điện Kính Thiên có thể bắt đầu sau 5 năm tới và chúng ta sớm được mãn nhãn với công trình Điện Kính Thiên hoành tráng, tái hiện không gian thiết triều long trọng trong lịch sử.